ngaytanthe
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ngaytanthe

the end of world
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Mười tác phẩm đáng đọc trước khi đến ngày tận thế

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 37
Join date : 14/08/2012
Age : 36
Đến từ : vietnam

Mười tác phẩm đáng đọc trước khi đến ngày tận thế Empty
Bài gửiTiêu đề: Mười tác phẩm đáng đọc trước khi đến ngày tận thế   Mười tác phẩm đáng đọc trước khi đến ngày tận thế Icon_minitimeTue Aug 14, 2012 9:20 pm

Theo một số ý hiểu, mặc dù còn nhiều tranh cãi, về lịch Maya, thì ngày 21 tháng 12 năm 2012 sẽ được ấn định là ngày tận thế. Sau các vụ nổ hạt nhân Fukushima, vụ núi lửa hoạt động ở Ai Len năm nào… và những thảm họa kinh tế nhãn tiền, thì điều gì hình như cũng có thể xảy ra… Đã vậy thì chúng ta cứ chuẩn bị tinh thần chờ đợi điều kinh khủng nhất ! Để sống trọn vẹn vui vẻ trong khoảng thời gian còn lại, tạp chí Lire của Pháp đã bình chọn và đưa chúng ta đi ngao du đến mười vùng đất, mười quốc gia trên khắp các châu lục qua mười tác phẩm sống cùng thời gian. Nhiều bạn hẳn đã làm quen, đã đọc một số trong những tác phẩm ấy, nhưng chúng tôi vẫn mời các bạn cùng khám phá, hay đọc lại những tuyệt tác này. Tác giả bài viết đọc các tác phẩm bằng tiếng Pháp nên phân tích và tóm tắt thông qua những tác phẩm bằng tiếng Pháp, viết các tên sách bằng tiếng Pháp, thi thoảng có kèm tên gốc.

1 – Thủy Hử, Shui-hu-zhuan (Trung Quốc), Au bord de l’eau

[Only admins are allowed to see this image]

Chúng ta chắc ai cũng không nhiều thì ít đã từng đọc, xem hoặc đã nghe nói về tác phẩm này. Và đôi lúc trong cuộc sống, ta cũng vô tình dùng các thành ngữ mà không để ý rằng chúng thực ra có nguồn gốc từ tác phẩm Thủy Hử. Tác phẩm được viết về 108 vị anh hùng đến Lương Sơn Bạt vì nhiều lý do. Có người làm quan bị vu oan mà đến như Lâm Xung, có người thì bị đặt vào tính huống đã rồi như Từ Ninh, hay bị vu oan mà phải đến như Lư Tuấn Nghĩa. Có nhân vật thanh mai trúc mã như Yến Thanh, lại có người lỗ mãng như Lý Quỳ. Mỗi nhân vật đều có một tính cách nổi bật và có sở trường sở đoản khác nhau và đều được tác giả khắc họa điển hình, như Võ tòng đả hổ, như Lỗ Chí Thâm là sư mà lại thích uống rượu và ăn thịt… Tác phẩm này được giới chuyên môn đánh giá là một trong bốn đại tiểu thuyết trong làng văn học cổ Trung Hoa, mà ba tác phẩm còn lại là Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký và Tam Quốc. Về phần tác giả, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa phần đều cho đó là Thi Nại Am (Shi Nai’an). Sự nổi tiếng của tác phẩm đã khiến cho nhiều phiên bản mới ra đời dựa trên bản gốc. Ta có thể so sánh vị trí của tác phẩm này trong nền Văn học Trung quốc cũng giống hệt như Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas tại Pháp hay Những cuộc phiêu lưu của Robins des Bois tại Anh quốc.

Về giá trị nghệ thuật : trong bài giới thiệu Giá trị nghệ thuật của Thủy Hử, giáo sư Lương Duy Thứ đã viết : « Sức hấp dẫn kỳ lạ của Thủy hử chủ yếu do tài năng văn chương của Thi Nại Am. Kim Thánh Thán là một người mang nặng tư tưởng phong kiến đã phải thốt lên: "Những tên sao thiên cương, địa sát, xét ra không hợp đạo làm người, sao lại có áng văn viết ra lạ lùng dễ mê hoặc lòng người đến thế? Ta muốn dựng Thi Nại Am dậy mà hỏi cho ra?"

2 – Cái trống thiếc, Die Blechtrommel (Đức), Le Tambour

[Only admins are allowed to see this image]

Tác giả của tuyệt tác này là Gunter Grass, giải Nobel văn học 1999. Tác phẩm xuất hiện lần đầu tiên năm 1959, và cũng là tập đầu trong bộ Trilogie de Dantzig, hai tập tiếp theo là Mèo và Chuột (Le Chat et la Souris) (Katz und Maus, 1961), Những năm tháng khốn nạn, (Les Années de chien) (Hundejahre, 1963). Đây là một nhà văn gây nhiều tranh cãi về mặt chính trị. Cái Trống Thiếc được viết dưới dạng tự truyện. Tự truyện của một nhân vật có tên Oscar Matzerath. Người này bị đưa đến nhà thương điên và sống tại đó trong những năm 1952 – 1954, và tại đây anh ta đã viết hồi ký của mình. Nhưng những kỷ niệm của Oskar còn đi xa hơn chính sự chào đời của anh. Tác phẩm bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của ông bà Oskar. Còn sự ra đời của Oskar lại được tái hiện dưới dạng của chiếc «bóng đèn 60 W» tại thành phố tự do Dantgiz. Oskar ngoài ra còn có một năng khiếu đáng ngạc nhiên. Đó là anh có tài hét rất to và có tính xuyên thấu đến nỗi có thể làm bể kính từ xa. Vào kỳ sinh nhật ba tuổi, Oskar nhận được một món quà nhỏ là cái trống thiếc xinh xắn. Cậu bé yêu thích vô cùng món quà đó và không còn muốn lớn lên để đến tham gia vào thế giới của người lớn nữa, bởi sự khinh miệt và ghê tởm của cậu đối với thói đạo đức giả và mức độ tầm thường mà cậu nhận ra nơi những người lớn này thì thật vô cùng. Chỉ bằng mỗi hậu quả của ý chí, Oskar đã bắt cơ thể mình không tuân theo sự phát triển của tự nhiên. Cậu đã giữ mãi thân hình mình như của đứa trẻ lên ba, cao chưa đầy một mét.

Phần đầu tác phẩm, Oskar đã trải qua thời kỳ đầu của cuộc Đại chiến thế giới thứ II, chứng kiến sự diệt chủng của người Do Thái và cậu cũng trải qua vài ba mối tình và nhất là không bao giờ chịu dời khỏi chiếc trống thiếc, món quà nhỏ xinh của cậu xưa kia.

Oskar được coi là có hai người cha. Alfred, một thành viên của đang Quốc xã và là chồng hợp pháp của mẹ cậu. Và Jan, công dân Balan sống tại thành phố và là người tình của mẹ cậu, ông này đã chết trong một trận xung kích của quân đội Quốc xã tấn công vào bưu điện thành phố Dantzig.

Sau khi mẹ Oskar qua đời, Alfred đã tái hôn với một phụ nữ trẻ là Maria. Và chính Maria đã tặng cho Oskar trải nghiệm đầu đời về cuộc sống tình dục. Bà sinh ra Kurt, đứa con trai này được cho là đứa con ruột của chính Oskar. Oskar những muốn đứa con ấy giống mình, nhưng nó lại cứ phát triển và lớn lên như một người bình thường, điều ấy đã gây cho Oskar không ít thất vọng.

Qua nhiều biến cố thăng trầm mà chúng chỉ là những hệ lụy của chiến tranh, qua nhiều mối tình không thành. Một hôm, nhân lúc đi dạo qua cánh đồng, Oskar phát hiện ra một ngón tay bị cắt dời trên đất, đó chính là ngón tay của Sœur Dorothea, một người mà Oskar đã thầm yêu trộm nhớ từ bấy lâu, nhưng không sao khiến được trái tim nàng rung động. Sœur Dorothea bị sát hại. Và Oskar cứ để người ta kết án tội giết người mà không hề phản ứng. Anh bị đưa tới nhà thương điên, và chính tại đây, anh viết Hồi ký của mình.

Một tác phẩm đầy xáo trộn, khiến ta không còn nhìn cuộc sống với với cùng một ánh mắt khi gấp sách lại.

Tác phẩm đã được dựng thành phim với sự hợp tác của nhiều nền điện ảnh như Pháp Đức Ba Lan… Phim đã đại giải Oscar với phim ngoại ngữ hay nhất và Cành cộ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1979 và nhiều giải thưởng danh giá khác.

3 – Gã đần (Nga), Идиот, Idiot

[Only admins are allowed to see this image]

Cha đẻ của tác phẩm này là Fedor Dostoïevski và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1869. Gã Đần là một trong những tác phẩm phức tạp và tâm lý nhất của Dostoievski. Tác phẩm dàn dựng chừng bốn mươi nhân vật và mỗi nhân vật đều mang đậm tính cách riêng và điển hình.

Sự chồng chéo những hổi hộp giữa các nhân vật luôn đem đến những sự kiện mới mẻ và bất ngờ. Dostoievski đã đạt tới trình độ viết kỳ tài luôn thu hút bạn đọc chăm chú để muốn được biết phản ứng của mỗi nhân vật trong những đoạn tiếp theo. Ngoài chuyện chỉ bằng một bức chân dung trung thành của tầng lớp tiểu tư sản Nga trong thời kỳ đó mà tác giả tái hiện đậm nét trong Gã Đần này, thì tác phẩm còn tách bạch trưng ra những khó khăn bối rối trong sự thật và trong sự chân thành của các tầng lớp thượng lưu Nga.

Hoàng tử Myshkin về cơ bản là con người tốt, nhưng lòng tốt của anh lại bị tù túng trong sự ngây thơ và đần độn, dẫu anh có khả năng phân tích tâm lý rất tinh tế. Sau khi sống cả thời trẻ của mình ở Thụy Sỹ trong một nhà điều dưỡng để chữa trị căn bệnh động kinh của anh (căn bệnh mà chính Dostoievski vướng phải), anh quay về Nga để gia nhập vào cộng đồng khép kín của xã hội đương thời, không tiền không lưu luyến, nhưng bù lại anh có trong tay một giấy chứng nhận của giới quý tộc. Anh vô tình dính vào một dự án hôn nhân với Nastassia Filippvna. Nhân lễ sinh nhật Nastassia, hoàng tử gặp một tiểu thương gia mà anh đã từng quen biết tên là Partifone Semionovitcg Rogojine. Người này say khướt và tặng cho thiếu phụ trẻ Nastassia một khoản tiền lớn để cô đi theo anh ta. Myshkin nhận ra sự tuyệt vọng của Nastassia, và say đắm nàng một cách bệnh hoạn và cầu hôn nàng. Sau khi chấp nhận lời thỉnh cầu của anh, nhưng nàng vẫn bỏ trốn theo Rogojine. Nhận ra địch thủ của mình, Rogojine giã tâm giết hoàng tử nhưng anh lại được cứu sống do một cơn khủng hoảng động kinh đã khiến anh ngã nhào ngay trước khi án mạng xảy ra…

Những biến cố, những sự kiện, những mối tình… nhưng Myshkin không quên được Nastassia, anh đã khước từ nhiều mối quan hệ mặc dù không muốn, mà cụ thể nhất là Aglaia để cứu vãn tâm hồn Nastassia, nhưng đúng vào buổi hôn lễ, cô nàng Nastissia cuồng nhiệt kia lại bỏ trốn cùng với Rogojine. Rogojine sôi sục và đầy đam mê đã sát hại nàng vào đêm sau đó.

Tác phẩm khép lại trong thảm cảnh. Nastassia bị Rogojine giết hại, và chính hung thủ bị kết án tù khổ sai. Còn hoàng tử thì bị bệnh động kinh tái phát và lại bị đưa đến nhà thương điên. Aglaia cố gắng xoay sở cùng gia đình để thành hôn với một giả quý tộc người Ba Lan.

Tác phẩm đã được giới làm phim và sân khấu dựng lại nhiều lần

4 – Bảy bông hồng của Tokyo (Nhật bản) Sept roses de Tokyo



Tác giả của tác phẩm dài nhưng không thiếu phần cô đọng này là một tài năng lớn và quan trọng trong làng văn học Nhật Bản, ông tên là Inoué Hisashi. Một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời dâng tặng cho bạn đọc chúng ta một cái nhìn kỳ thú về Nhật bản trong thời bị Mỹ chiếm đóng. Một tiểu thủ công sản xuất quạt giấy trong một khu phố cổ ở Tokyo và điều hành tờ báo của mình từ tháng tư năm 1945 đến tháng tư năm 1946. Đó là một năm tăm tối đối với vương quốc Mặt Trời Mọc này, được ghi dấu ấn bởi những trận oanh tạc và sự đầu hàng của Nhật hoàng. Dẫu vậy, tờ báo của Shinsuke không hề mất đi nhuệ khí lẫn sự nhẹ nhàng tinh tế, luôn xuất hiện với sự hài ước bất tận và hàng loạt những chi tiết tuyệt diệu về cuộc sống, sống nay mà không biết mai mình sẽ ra sao của nước Nhật thời đó, dưới sự chiếm đóng của người Mỹ : tài xoay xở, những chợ đen, những rắc rối hành chính, sự phản đối kháng cự… và những tiến hành bí mật và huyễn hoặc của bảy người phụ nữ dám hy sinh mình để làm gián điệp nhằm phá vỡ những kế hoạch của kẻ chiếm đóng. Inoué tuyên bố rằng động cơ sáng tác của ông trên hết là « tình yêu con người ». Thiện ý này được nhận thấy rõ nét trong bức chân dung sống động và nồng hậu của dân tộc Nhật bản, dân tộc mà dẫu bị mất mát vẫn tìm được giải thoát trong sự trỗi dậy và nụ cười sảng khoái. Qua sự miêu tả cuộc sống hàng ngày của một gia đình, tác giả cũng phê phán xã hội Nhật bản thời ấy, cơn sốc của cuộc gặp gỡ với xã hội Mỹ nhưng với tính hài ước cực kỳ tinh tế. Phụ nữ, là mạch chính dẫn dắt tác phẩm, đã tận dụng giai đoạn hỗn mang ấy để dành quyền lực theo cách rất hùng tráng và quảng đại.

Một tác phẩm đã đọc thì khó quên, một bức chân dung rất khác của xã hội Nhật bản so với đương thời.

5 – Chuyến du hành lúc rạng sáng (Pháp) Le voyage au bout de la nuit



Cuộc du hành lúc rạng sáng là tác phẩm tiểu thuyết đầu tiên của Céline, xuất bản năm 1932. Khiến bạn đọc mê hoặc bởi âm thanh sống động như một thứ âm nhạc duyệt binh. Được viết trong dạng kể chuyện theo ngôi thứ nhất. Berdamu, người kể chuyện, kể lại kinh nghiệm của anh trong cuộc chiến tranh đầu tiên, về chủ nghĩa thực dân tại Phi châu và Mỹ trong thời kỳ giữa hai cuộc Đại chiến. Vào quân đội, Bardamu khám phá ra sự hãi hùng trong những trận đấu của năm 1914, sự nhục mạ của cấp trên đối với kẻ dưới, sự phi lý của những trận đổ máu vô bổ. Bị thương, anh được đưa đến điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Tại đó, anh nhận thấy rằng dân sự và các bác sỹ thì không hoàn toàn xa lạ với cuộc chiến này, và rằng ngay cả họ cũng góp phần để tăng cường thêm cái « lò mổ » ghê rợn ấy. Sự mẫu thuẫn cho phép anh khám phá ra sự hèn yếu có trong chính con người anh. Được đào tại lại, anh làm quen với một số phụ nữ như Lola, Musyne, rồi lại quyết định đi làm việc trong khu kiều dân ở Bombola –Bragamance, dưới vai trò của một nhà điều hành chi nhánh ngoại thương. Bardamu không thích Hoa kỳ, nhưng có thể đó là nơi duy nhất mà anh gặp gỡ một con người thực sự, đó là Molly, người mà anh yêu cho đến tận cùng chuyến du hành không có đích đến của anh. Nhưng khuynh hướng của Bardamu không phải là làm việc với các cỗ máy trong công xưởng của Détroit, mà để tiếp cận, sống gần gũi với sự bần cùng của loài người, hàng ngày và mãi mãi. Thế nên anh quay về Pháp để học nốt chương trình Y khoa và trở thành bác sỹ của những người nghèo (bản thân tác giả Céline cũng là bác sỹ). Khi ấy anh tác nghiệp đốc tờ trong một vùng ngoại ô Paris và lại sống kề cận cuộc sống bần hàn giống hệt như ở Phi châu hay trong các đường hầm hào của cuộc Đại chiến thế giới thứ I.

Tác phẩm nổi tiếng trên hết là bởi văn phong theo ngôn ngữ nói và bị ảnh hưởng rất nhiều thứ tiếng lóng, thứ tiếng này ngày càng phát triển trong văn chương đương thời. Cuốn tiểu thuyết ra đời chủ yếu nhờ những kinh nghiệm bản thân của chính Céline mà ông đã lồng vào nhân vật Bardamu.

6 – Cối xay gió trên dòng sông Floss (Anh), Le moulin sur la Floss, The mill on the Floss


Xuất hiện năm 1860, Cối xay gió trên dòng Floss là cuốn tiểu thuyết tự truyện nhất của George Eliot. Trong tác phẩm, bà khiến chúng ta sống lại những cảm xúc thời niên thiếu và lồng thứ tình cảm đó vào trong nhân vật Maggie, nữ người hùng nổi loạn không chấp nhận vai trò được gán cho phụ nữ trong thời kỳ trị vì của nữ hoàng Victoria. Từ nhiều thế hệ nay, gia đình Tulliver sống tại cối xay gió Dorlcote. Chính vì vậy mà cuộc sống của ông chủ cối xay trôi đi bình an hệt như dòng sông nhỏ bao quanh cối xay gió, nơi Tom và em gái Maggie của cậu thả mồi câu cá bình an vô sự. Nhưng thói thường, các tuyệt tác thì không chỉ xây những những nhân vật mà không có sóng gió ba đào, và trong cuốn tiểu thuyết này cũng vậy, câu chuyên an bình dần dần bị xô vào thảm kịch. Một vụ kiện do ông Tulliver đưa ra nhằm ngăn cản sự tưới tiêu sẽ khiến dòng sông bị đổi dòng chảy, dẫn đến sự hủy hoại và sẽ buộc phải bán cối xay gió, đã bị thua. Khoảng thời gian ngây thơ bị gián đoạn một cách bất ngờ và dữ dội, kể từ đây Tom phải tái lập lại danh dự của gia đình và lo mọi nhu cầu thiết yếu cho các thành viên.

Maggie, một thiếu nữ có óc tưởng tượng vô bờ bến, bốc đồng và đầy đam mê. Cô bé rất cần sự trìu mến mà cô luôn nhận được từ cha mình nhưng anh trai Tom lại từ chối không cho cô điều ấy. Hai đứa trẻ nhà Tulliver rất khác nhau về mặt thể hình cũng như trí thông minh. Nhưng Tom là con trai, vậy nên anh sẽ được học tiếng la tinh và toán, những môn mà Tom chẳng có tham vọng gì lớn, kết quả do vậy cũng chẳng cao gì. Là con trai quả có nhiều ưu đãi hơn, nhất là luôn nhận được tiền bỏ túi nhiều hơn. Tom học cùng với Philippe Wakem, nhưng họ không phải là bạn nhau, ngược hẳn với Maggie, cô đã kết thân với Philippe mà không hề bận tâm đến việc cha của Philippe, một trưởng khế Wakem của thành phố đã có cuộc chiến tranh ngầm với chính chủ cối xay gió Tullivier. Chính do Wakem mà Tulliver khánh kiệt.

Rồi Tom cũng thành đạt trong công việc làm ăn, không phải nhờ học hành của anh mà nhờ những phẩm chất và tính kiên trì đến ám ảnh của mình, cộng thêm sự trợ giúp của người chú. Anh đã trả nợ được cho gia đình mình. Lúc ấy Philippe Wakem tỏ tình với Maggie, cô gái trẻ không phải không biết rằng thứ tình cảm đó sẽ chẳng có tương lai, chiểu theo sự thù hận mà cha và anh trai cô dành cho trưởng khế Wakem.

Maggie là một cô gái đáng yêu, có lẽ không phải là hoàn hảo nhất, nhưng cô biết nhận ra những sai lầm của mình. Maggie tôn thờ anh trai Tom của mình nhưng vẫn e ngại anh bởi tính cương quyết của anh. Những tình cảm thời niên thiếu của Maggie được tác giả miêu tả rất tinh tế. thiếu nữ đã rất đau khổ vì thấy mình không xinh, không ngoan, không kiên nhẫn và nhất là không cẩn thận. Tại điểm này, Eliot George đưa chúng ta quay về với tình cảm thời trẻ thơ của mình để không coi những phản ứng của trẻ như thể chúng đã là người lớn.

Một tác phẩm đáng đọc, đáng suy ngẫm.

7 – Đứa con của tộc Peul (Mali) L’enfant Peul



Sự phức tạp vô tận của các nền văn hóa châu Phi trước quan điểm của một cậu bé tinh tường, bị đưa đẩy từ gia đình này đến gia đình khác và được cứu sống bởi sự nghiên cứu kinh Coran. Tất cả đều leo lên cùng một dãy núi, và mỗi người đi theo con đường riêng của chính mình. Tác phẩm này là tập đầu tiên trong bộ hồi ký của tác giả. Amkoullel, đó là biệt hiệu mà chàng trai trẻ Hampâté Bâ thường mang khi mà vào đầu thế kỷ trước, cậu bước đầu học các truyền thống gia đình lâu đời. Học trong trường Pháp cùng lúc với học trong trường dạy kinh Coran, chạy khắp các vùng sa van trong khi người thân của cậu ra đi phục vụ cuộc chiến ở miền xa (cuộc Đại chiến thế giới thứ I). Cái nhìn của Hampâté Bâ trên hết là cái nhìn của một người con châu Phi, đầy tính hài ước với một trí nhớ kỳ diệu. «Văn hoá truyền miệng được trải dài trên mặt giấy», tác giả thường nói vui như vậy. Nhưng cái nhìn này đồng thời cũng là của một nhà văn có tầm quy mô phong phú. Những người say mê văn chương, những chuyên gia và những a ma tơ về nhân chứng sống sẽ tìm thấy những câu trả lời chưa từng có cho những câu hỏi mà Phi châu đặt ra cho họ ngày hôm nay.

Vào năm 1991, năm tác phẩm Đứa con của tộc Peul này chào đời thì Théodore Monod đã viết về Amadou Hampâté Bâ : «Những ai sẽ đọc ông có thể cảm thấy được giàu có và cũng cổ thêm về mặt tình thần bởi sự khám phá ra một người đồng thời vừa là một nhà hiền triết, một bác học và một người cha tinh thần.

Dưới ngòi bút của ông trải dài nhân chứng tuyệt vời của một triết gia và người kể chuyện của dân tộc Mali, một triết gia đã biết tự mình dựng dậy những truyền thống văn hóa truyền miệng của đất nước mình : «Ngay từ thời trẻ thơ chúng tôi đã học cách quan sát, cách nhìn và nghe, rất nhiều đến nõi mà mọi sự kiện đều được ghi lại trong trí nhớ chúng tôi hệt như trong một hộp sáp trắng tinh khôi… » Để miêu tả tuổi thơ của đất nước mình, tác giả đã chọn cách gợi lại vùng sa van tây Phi, cỏ hoang oằn mình dưới nắng, dưới những trận gió xoáy, bị cào cấu bởi dòng sông Niger chảy xuyên quốc gia. Trọng tâm câu chuyện ông kể : vương triều Bandiagra hồi đầu thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của một Đạo hồi hà khắc ép lũ trẻ nhỏ vào khuôn khổ. Tác giả đã từ đó mà lớn lên trong sự tôn trọng đối với hai căn nguyên trong yếu : danh dự và tôn trọng mẹ. Một đứa trẻ có thể trái lời cha, còn mẹ thì không bao giờ.

Tài năng của kể chuyện của Hampâté Bâ tuôn chảy vô bờ bến, với những chi tiết từ nhỏ đến lớn, từ nghiêm trọng đến vui vẻ, đều được ông kể với tính hài ước điển hình của người Phi châu.

Một tuyệt tác cho phép chúng ta khám phá một châu phi khác. Cho phép chúng ta hiểu thêm ít nhiều về nền văn hóa của châu lục đen và những truyền thống của họ. Đây là một tác phẩm có thể nói là đỉnh cao của nền văn chương châu Phi và các nước nói tiếng Pháp.

8 – Trăm năm cô đơn (Colombia), Cent ans de solitudes, Cien años de soledad


Một tuyệt tác của nhà văn người Colombia, Gabriel Garcia Marquez. Tác phẩm đã góp phần đem đến cho tác giả vinh dự nhận giải Nobel văn học năm 1982. Tác phẩm được Pháp bình chọn là tiểu thuyết hay nhất trong năm khi sách được dịch ra tiếng Pháp. Còn giới chuyên môn Mỹ thì đánh giá là một trong mười hai tác phẩm hay nhất của trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Cho đến nay, cuốn sách đã được đọc trong gần bốn mươi thứ tiếng. Bạn đọc Việt chúng ta chắc nhiều người đã biết đến tác phẩm này qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức. Sau đây xin trích dẫn một số lời trong bài giới thiệu tác phẩm của dịch giả.

« … Cho đến nay Trăm năm cô đơn vẫn là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Gabrien Gacxia Maket (Gabriel Garcia Márquez, 1928), nhà văn Côlômbia, người được giải Nôben về văn học năm 1982. Trăm năm cô đơn ra đời (1967) đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn Mỹ Latinh và lập tức được cả thế giới hâm mộ. Theo số liệu của tác giả đến năm 1970, Trăm năm cô đơn đã được in bằng tiếng Tây Ban Nha hơn nửa triệu bản, chưa kể lần in ở Cuba xã hội chủ nghĩa (một lần hai vạn bản, lần sau tám vạn bản) và mười bảy hợp đồng xin phép tác giả được dịch tác phẩm này ra các thứ tiếng khác. Sau gần hai mươi năm, Trăm năm cô đơn đã có mặt ở khắp nới trên hành tinh chúng ta để đến với mọi người và mọi nhà. Rõ ràng Trăm năm cô đơn là một cuốn sách ăn khách mặc dù tác giả của nó không viết với mục đích câu khách.

Cuốn sách được phát hành, đã gây dư luận sôi nổi trên văn đàn Mỹ Latinh. Thành công ấy hoàn toàn không bất ngờ đối với Gacxia Mackêt vì khi rời ghế nhà trường ông mang hai niềm tin lớn: chủ nghĩa xã hội và những cuốn tiểu thuyết hay, vì trách nhiệm của người cầm bút là phải viết cho thật hay. Trăm năm cô đơn là một trong những cuốn tiểu thuyết ông mơ ước và đã phấn đấu để có được.

Khi đọc xong Trăm năm cô đơn chúng ta thấy ở cuốn sách này có hai văn bản. Văn bản một là cái văn bản chúng ta đọc hết dòng này sang dòng khác chạy suốt từ đầu đến cuối sách. Văn bản hai là văn bản được Menkyađêt viết trên những tấm da thuộc. Văn bản hai làm nền cho văn bản một. Tương ứng với hai văn bản trên có hai người kể chuyện. Một là người kể chuyện ở văn bản một, chúng tôi gọi là người kể chuyện thứ nhất, và người kia là Menkyađêt kể chuyện ở văn bản hai, chúng tôi gọi là người kể chuyện thứ hai. Sau khi đã thuộc lòng câu chuyện về dòng họ Buênđya do người kể chuyện thứ hai ghi trên những tấm da thuộc, người kể chuyện thứ nhất, với tư cách nhà thông thái, người hiểu biết tất cả, theo sở thích của mình kể lại cho chúng ta nghe chính những câu chuyện ấy.

Thành công của Gacxia Macket trong việc tạo ra một không gian và thời gian nghệ thuật như trên đã mở ra một khả năng to lớn trong việc xây dựng các nhân vật có cá tính. Chúng ta dễ dàng nhận ra những nhân vật trong Trăm năm cô đơn là những nhân vật siêu mẫu, tức là những con người phi thường, dị hợm và quái dị. Nhờ tính chất siêu mẫu nầy, các nhân vật trong Trăm năm cô đơn đã gây hào hứng cho độc giả để rồi mãi mãi đọng lại trong tâm trí bạn đọc. Quả vậy, trong Trăm năm cô đơn có khoảng sáu mươi nhân vật, kẻ cả chính lẫn phụ. Nhân vật nào cũng có cá tính rất sông động trước mắt chúng ta. Thành công này có được là nhờ Gacxia Macket đã vận dụng và nâng cao thủ pháp xây dựng nhân vật của truyện kể dân gian: chỉ chấm phá đôi nét còn nhường chỗ cho trí tưởng tượng của người đọc người nghe. Tuỳ từng nhân vật cụ thể, ông thấy cần nhấn mạnh nét cá tính nào thì ông tập trung miêu tả những biểu hiện của cá tính ấy. Cần phải làm nổi bật tư chất thị dân của Piêtrô Crêspi thì ông miêu tả và chỉ miêu tả cái bàn tay có nước da mai mái xanh của anh ta. Cần làm nổi bật trái tim yêu rạo rực của Pila Tecnêra, Gacxia Macket luôn nhấn mạnh đến cái mùi khen khét phả ra từ nách ả, đến cái tiếng cười khanh khách của ông như tiếng gù cù cù rục của con bồ câu. Cần làm nổi bật tư chất rầu rĩ của đại tá Aurêlianô Buênđya ông nhấn mạnh tiếng khóc từ trong bụng mẹ của đại tá. Cần làm nổi bật tư chất trác táng, đam mê rượu chè và hội hè của Aurêlianô Sêgunđô ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần cái câu nói đầy khẩu khí của anh ta: "Hỡi những con bò cái hãy dạng háng ra kẻo cuộc đời ngắn ngủi lắm" v.v… và v.v… »

Một tác phẩm đáng được đọc và nghiền ngẫm. Một tác phẩm mà mỗi lần đọc lại, chúng ta lại khám phá thêm một điều mới lạ trong từng chi tiết, từng nhân vật. Những trăn trở, dằn vặt trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi nhân vật. Đúng với tên tác phẩm là Trăm năm cô đơn.

9 – Thế giới dưới cái nhìn của Garp (Mỹ) Le monde selon Garp, The World According to Garp



Tác giả John Irving đã viết rất nhiều tiểu thuyết, nhưng hình như chưa có tác phẩm nào ông lại viết với nhiều vẻ phấn khích đến vậy. Tác phẩm kể lại cuộc đời của nhà văn S. T. Garp. Hoàn toàn đúng với quan điểm của Garp, mà theo nhà văn một cuốn tiểu thuyết được khép lại khi cuộc đời của những nhân vật trong đó kết thúc, cuốn tiểu thuyết bắt đầu trước cả sự hoài thai của Garp và kết thúc sau khi đã điểm hết số phận của những người thân của Garp sau khi ông qua đời. Một cuốn sách, một cuộc đời. Garp, nhân vật chính trong tác phẩm là con trai của Jenny Fiels, người cũng sẽ trở thành nhà văn cùng thời với con trai mình. Jenny là một y tá trong bệnh viện quân đội ở Boston năm 1942. Do mong muốn có một đứa con mà không khiến cuộc sống của một người đàn ông nào đó cồng kềnh thêm, ngay cả sự quan hệ tình dục bà cũng không muốn, bà đã tận dụng sự xuất tinh của một chiến binh đã bị thương rất nặng do một viên đạn bắn vào đầu, và đã hoài thai con trai trong lần giao hợp bất bình thường ấy.

Sau đó Jenny tác nghiệp tại trường trung học Steering, khiến cả gia đình bàng hoàng trước ý chí làm việc của bà và sự ra đời của đứa con trai không gia thú, và bà quyết định nuôi con một mình đúng với mong muốn. Mặc dù những cố gắng của mẹ để tặng cho cậu một sự giáo dục « hoàn hảo », nhưng Garp vẫn chỉ là học sinh trung bình, rồi bắt đầu khám phá ra môn đấu vật, bạn gái, những trải nghiệm quan hệ tình dục đầu đời, và để bị kéo theo những trào lưu của giới trẻ cùng thời. Rồi cậu quyết định dành thời gian cho nghề viết với mục đích chỉ để quyến rũ bằng được con gái của thầy giáo dạy môn đấu vật, thiếu nữ này là một người ham đọc sách.

Jenny trở nên nổi tiếng với tác phẩm Điều đáng ngờ về mặt tình dục mà bắt đầu tác phẩm bằng câu : « Trong thế giới có tinh thần thối nát này, một phụ nữ chỉ có thể là vợ hoặc là con điếm của một người đàn ông – trừ phi cô ta dùng dằng không muốn trở thành bất cứ hạng người nào trong hai loại ấy. » Tác phẩm của Jenny đã gây một tiếng vang lớn và dù không muốn, bà vẫn bị lôi kéo vào phong trào nữ giới, bà trở thành đại sứ của những người đàn bà yếm thế do cuộc sống và và phải tranh đấu.

Còn Garp, anh chỉ biết đến vinh quang của người nổi tiếng vào cuối cuộc đời ngắn ngủi của mình và điều khiến anh dành nhiều thời gian suy nghĩ hơn cả sẽ là cố gắng bảo vệ con cái mình khỏi thế giới bên ngoài : « Nếu Garp mà đã có quyền để mong ước, một mong ước bất tận và thơ ngây, anh hẳn sẽ mong ước có thể chuyển thế giới này đến một nơi an toàn nhất. Cho trẻ em và cho cả người lớn. »

Cuộc sống riêng tư của tác giả và cuộc sống được hư cấu của Garp được pha trộn tài tình trong trong tác phẩm này, biến chúng thành một cuốn tiểu thuyết thực sự dựa trên những hạnh phúc, hoảng loạn, nghi ngờ của một người đàn ông đã bị phụ nữ để lại quá nhiều dấu ấn. Theo một cách nào đó, thì đây là một tác phẩm của một nhà văn pha trộn với một tác phẩm khác. Tiểu thuyết có nhiều lời trích dẫn, những bình luận tương lai của Garp hay của Jenny về những gì đang xảy ra hoặc những gì sẽ đến. Trong cuốn sách tuy có cấu trúc rất chặt chẽ này thì lại có một mối liên hệ chéo về thời gian, hiện tại nhắc cho quá khứ nhớ và kêu tương lai đến, mỗi một tình huống đều điểm lại một tình huống đã từng xảy ra trước đây hoặc lại bình luận về tương lai. Dẫu sự chuyển tiếp thời gian được nêu rất tách bạch, thì ở đó vẫn thấp thoáng chấp chới một « mai mỉa kiểu Irving », trong đó điều khủng khiếp nhất luôn luôn hiện hữu còn tương lai thường hay khác nhiều so với những gì ta kỳ vọng. Garp không ngừng lo lắng cho những đứa con của mình, thì phải chịu cảnh mất đứa con trai út một cách thê lương, còn con trai lớn thì trở nên tật nguyền. Điều mong ước duy nhất của Jenny là được sống chính cuộc sống của mình mà không bị phán xét liên tục và mãi mãi vì hạnh kiểm, thì bỗng dưng, trái với ý muốn khi đã thuộc về biểu tượng của chủ nghĩa nữ quyền, bà phải nuôi dậy một thiếu nữ bị hiếp dâm và người ta đã cắt lưỡi cô để bắt cô im lặng và sẽ trở thành nhà văn.

Cuốn sách đã đưa John Irving đến sự thành công vang dội và hoàn toàn xứng đáng. Irving không áp đặt giới hạn cho mình trong khi viết, ông thích kể những gì ông thấy hài lòng mà chẳng hề phức tạp hóa chúng lên. Những nhân vật càng ngày càng xuất hiện nhiều, và mỗi lần có người mất đi thì thường hay khiến những nhân vật khác và chính bạn đọc rơi lệ. Một cuốn sách dữ dội, sâu xa, nhưng cũng rất hài ước. Khi đã bắt đầu thì khó có thể ngừng lại.

10 – Con Báo (Italia), Il Gattopardo, Le Guépard



Liệu «Tất cả thay đổi để cho chẳng gì thay đổi hết», hệt như những nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của hoàng tử Lampedusa không? Quả là hơi quá lời. Nhưng Con Báo đã hé lộ cho chúng ta thấy rằng mọi nền văn minh của chúng ta, kiêu hãnh nhường ấy, thì phải chăng chúng cũng chỉ là những xác chết lang thang mà thôi.

Con Báo xuất hiện năm 1958, và sau khi tác giả đã qua đời. Cha đẻ của tác phẩm đầy tính triết lý và trăn trở về cuộc sống này là Giuseppe Tomasi, hoàng tử xứ Lampedusa, và đã được trao giải Strega năm 1959. Đây đồng thời cũng là tác phẩm duy nhất của nhà văn thuộc giới quý tộc Ý.

Tomasi Di Lampedusa xây dựng trong tiểu thuyết của mình cuộc sống của Don Fabrizio Salina, một hoàng tử xứ Sicile, giữa những cuộc cách mạng quay cuồng hỗn mang trong thời kì thống nhất nước nước Ý (Risorgimento). Nhưng trên hết là lịch sử của xứ Sicile và sự chuyển tiếp giữa một luật lệnh cũ và luật lệnh mới.

Phần I : tháng năm năm 1860 : giữa hai bài cầu kinh và lần tràng hạt, bài đầu tiên điểm suốt 24 giờ trong cuộc đời của Hoàng tử Salina, cuộc cách mạng mà đứng đầu là Garibaldi đã khiến sinh hoạt hàng ngày của gia đình quý tộc ấy bị gián đoạn, thì có thông báo đội quân Piémontais của Garibaldi đã đến. Tancredi, người cháu mà Hoàng tử rất yêu thương đồng thời ông cũng là người giám hộ, đã đi theo các đoàn quân cách mạng sau khi đã tiết lộ tính toán của mình cho chú Salina nghe. Hoàng tử đã thổ lộ với cha xưng tội quan điểm của mình về những sự kiện chính trị : theo ông, sẽ chỉ có một trao đổi đơn giản về thực hành của giới quyền lực giữa tầng lớp quý tộc và các tiểu tư sản đang lên mà thôi.

Phần II : tháng tám năm 1860 : Như mỗi mùa hè, gia đình Salina rời cung điện chính ở Palerme để đến khu nhà nghỉ Donnafugata. Đó là dịp miêu tả vùng Sicile và sự khắc nghiệt của khí hậu vùng đó trong giai đoạn cuối hè. Những nhà cầm quyền địa phương chào đón gia đình hoàng tử bằng một buổi lễ trọng thể, phù hợp theo ý ông trong ý tưởng không có gì thay đổi, dẫu người đứng đầu thành phố là Don Calogerro Sedara trưng ra toàn bộ tấm khăn đa sắc mới tinh dành cho thị trưởng của mình. Trong buổi tiệc do hoàng tử tổ chức, con gái của thị trưởng Angelica đã khiến tất cả khách mời chú ý bởi vẻ đẹp của cô.

Phần III : tháng mười năm 1960 : Vùng nông thôn Donnafugata cho phép hoàng tử đắm mình vào các buổi đi săn trong những ngày đầu thu. Nhân đó, trong một buổi, Hoàng tử đã tranh luận với Don Ciccuo những xáo trộn chính trị hiện thời của nước Ý và hỏi người này những thông tin liên quan đến Don Calogero Sedara bởi Tancredi đã phải lòng thiếu nữ trẻ Angelica. Buổi đi săn này được pha trộn xen lẫn tài tình giữa lịch sử quốc gia và câu chuyện gia đình.

Phần VI : tháng 11 năm 1860 : Angelica đã đính hôn với Tancredi. Kể từ đó, thiếu nữ luôn có mặt trong cung điện của gia đình Salina. Sự say mê của cặp trẻ này được miêu tả trong vô vàn những vụ lỉnh đi chơi trong những khu vực huyền bí của cung điện. Tân quốc gia Ý phái hiệp sỹ Aimone Chevalley đến thuyết phục hoàng tử Salina ra nhận chức thượng nghị sỹ. Ông từ chối, nhường vị trí ấy lại cho Don Calogero. Tuy nhiên sự xuất hiện của Chevalley cũng cho phép trình cho Sicile một người lạ, đó là Tancredi.

Phần V : tháng hai năm 1861 : Cha Pirrone trở về làng quê mình ở San Cono. Ông ta là nhân vật trọng yếu của phần này. Người dân khám phá ra quan điểm chính trị của ông về một tân quốc gia Italia. Thế nên ông bắt đầu bước vào một sự phân tích những tầng lớp xã hội đương thời. Trước khi ra đi, Cha Pirrone thu xếp cho cháu gái mình thành hôn với cháu trai là santino Pirrone. Cuộc hôn nhân này thiết lập song song với cặp hồi hộp chủ chốt (Angelica và Tancredi). Đây là phần rẽ quan trọng của tác phẩm, vì sau đó mọi chuyện sẽ bị đẩy đến lụi tàn.

Phần VI : Tháng 11 năm 1862, phần trọng chốt của tác phẩm : Gia đình Salina tới tham dự một đêm khiêu vũ của Ponteleone. Đó là dịp để giới thiệu Angelica với xã hội nghệ thuật. Hoàng tử, bực mình trước sự vô tự lự phù phiếm của đám khách mời, đã khép mình trong thư viện cung điện. Nhưng Angelica để đến mời ông tiếp cô một điệu vũ và hoàng tử liền quên đi những suy nghĩ tăm tối của mình trong chốc lát. Chính tại thời điểm đó, bạn đọc hiểu rằng tại sao hoàng tử đã không những chấp nhận cuộc hôn nhân của Angelica với cháu mình, mà còn tạo điều kiện thuận lợi, trong khi sự khai thác sự bỉ ổi của sự kiện này đã được giải thích rất lâu trước đó : Ông chính mình cũng cảm thấy có tình cảm đặc biệt mà không dám thú nhận đối với Angelica, và ông đã cố kìm bằng cách tái hiện lại điều đó thông qua một người khác và chứng thực cuộc hôn nhân đó bởi những xáo trộn chính trị. Lúc đi về nhà, hoàng tử đã thích tản bộ hơn, những vì tinh tú khi ấy lại tìm thấy sự lẻ loi cô độc của mình.

Phần VII : tháng bảy năm 1883 : Hai mươi mốt năm sau đêm vũ hội ngày nào, Hoàng tử trở về từ chuyến ngao du đến Naples, nơi ông đến để khám bệnh. Một sự khó ở bất ngờ ngăn ông trở về nhà mình và buộc ông phải dừng lại ở khách sạn Trinacria, và qua đời tại đó.

Phần VIII : tháng năm năm 1910

Quay lại cung điện của gia đình Salina nhiều năm sau khi hoàng tử qua đời. Ba tiểu thư con gái ông, Concetta, Caterina và Carolina đã không bao giờ thành hôn với ai. Sùng đạo, một trong số các cô (Carolina) đã sưu tầm những mảnh sương của các vị thánh và mời Hồng y giáo chủ của Palerme đến đó để phân tích. Thất vọng hoàn toàn : những mẩu xương đó phần lớn là giả. Biểu tưởng về đoạn kết của gia đình Salina đó là Concetta đã ném xác con chó mà cha mình đã từng rất yêu quý khi ông còn sống qua cửa sổ, xác con chó chẳng mấy chốc tan vào cát bụi.

Một tác phẩm đầy những dằn vặt, nhưng dễ đọc. Lãng mạn, say đắm. Đọc nó và suy ngẫm, chúng ta hiểu ra được nhiều điều có vẻ như nhỏ bé những lại rất có ý nghĩa trong cuộc sống.
Paris 3 tháng 2 năm 2012

Nguồn: Lao Động
Về Đầu Trang Go down
http://hoanghaxd.wix.com/ngaytanthe
 
Mười tác phẩm đáng đọc trước khi đến ngày tận thế
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Các món ăn trước ngày Tận thế
» Tại sao nhiều người tin vào ngày tận thế?
» Bí ẩn ngày tận thế: Hiểm họa từ Mặt trời
» Bí ẩn ngày tận thế:Sách cổ và nhà tiên tri
» Hoạt động trải nghiệm trước ngày tận thế

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
ngaytanthe :: Tin tức trước ngày tận thế-
Chuyển đến